10 câu hỏi cho tân Tham tán thương mại AWEX Việt Nam05/12/2022
Sau 30 năm công tác tại AWEX (Cơ quan Xúc tiến Xuất khẩu và Đầu tư nước ngoài của Vùng Wallonia – Bỉ) ở các nước như Pakistan, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ và gần đây là Nam Phi, Ông Jean-Pierre Muller vừa nhận nhiệm vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ cuối trước khi Ông nghỉ hưu. Chúng tôi đã gặp Ông ba tháng sau khi ông nhận nhiệm vụ để chia sẻ những cảm xúc đầu tiên của Ông và lắng nghe những kỳ vọng, tham vọng và dự án.
Ông cảm thấy thế nào vào những ngày đầu khi Ông mới nhậm chức? Ông đảm nhận vai trò mới của mình như thế nào?
Tất nhiên, cảm giác đầu tiên là vui sướng. Tôi rất vui với sự bổ nhiệm này. Việc trở lại châu Á cho nhiệm kỳ cuối của tôi thực sự rất bất ngờ! Tôi cũng cảm thấy phấn khích khi đối mặt với thử thách mới này và cũng rất tò mò với việc khám phá đất nước hấp dẫn này, đất nước luôn khơi gợi trí tưởng tượng và khát khao khám phá. Nhưng có một cảm giác khác nữa là tinh thần trách nhiệm. Tôi nhận thức rõ rằng đất nước Bỉ của chúng tôi và Vùng Wallonie của Bỉ hiện đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn và vai trò của chúng tôi, tại AWEX, thông qua việc xúc tiến xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và tái tổ chức chuỗi cung ứng, góp phần tạo ra sự khác biệt.
Điều gì nổi bật nhất đối với Ông kể từ khi Ông nhận nhiệm kỳ cách đây ba tháng?
Việc đầu tiên là sự lạc quan của mọi người! Chúng tôi thấy họ tự tin và có niềm tin vào tương lai, rằng họ cảm thấy tương lai sẽ tốt hơn hiện tại, và hiện tại cũng tốt hơn quá khứ. Việc này thể hiện trên khuôn mặt của họ, trong đôi mắt và trong tất cả những nụ cười rất chân thực.
Tôi thấy ở đây một chút cảm giác mà tôi từng biết khi tôi đến Thượng Hải vào năm 1994. Mọi người biết rằng tương lai sẽ thuộc về họ. Đâu đâu cũng xuất hiện bầu không khí lạc quan đó. Chúng tôi cũng thấy lạc quan hơn !
Và việc thứ hai, tôi muốn nói là dân số trẻ. Tôi nhận ra điều này hàng ngày, mỗi buổi sáng trong thang máy rất đông nhân viên của tòa nhà văn phòng nơi tôi làm việc, hoặc trong dòng hàng nghìn chiếc xe gắn máy, xe tay ga lưu thông vào đầu giờ sáng. Và điều này thực sự rất khác so với Trung Quốc. Năm 1994, chính sách một con được thực thi nghiêm ngặt ở Trung Quốc; những đứa trẻ con một đó được coi như các vị vua con (hay đúng hơn là các hoàng đế nhỏ! Chính sách này đã gây nên thảm họa về già hóa dân số ở Trung Quốc. Ở Việt Nam thì ngược lại, hơn một nửa dân số ở độ tuổi lao động dưới 35 tuổi! Và khi tăng trưởng GDP thực tế song hành cùng với sự tăng trưởng dân số như ở Việt Nam, thì chúng ta thực sự có thể nói đến “kỷ nguyên dân số vàng”!
Vậy thì Ông có thể cho biết những thế mạnh kinh tế của Việt Nam ?
Việt Nam đã đối phó tương đối tốt với cuộc khủng hoảng y tế. Vào năm 2020, đất nước này rơi vào tình trạng bị cô lập nghiêm ngặt với nước ngoài trong gần một năm; các lĩnh vực như du lịch đã bị thiệt hại rất nhiều. Nhưng điều đó đã được đền đáp xứng đáng. Ngày nay, trong khi phương Tây đang phải đối mặt với một cơn sóng thần kinh tế thực sự, sau cuộc xâm lược khốc liệt của Nga nhằm vào Ukraine, thì Việt Nam lại bị ảnh hưởng rất ít vì nước này tự cung tự cấp về năng lượng. Vào năm 2021, và mặc dù bị phong tỏa rất chặt chẽ từ tháng 8 đến tháng 10, Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng GDP thực tế là 2,5%. Và năm 2022, Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng GDP ở mức 7,5% với tỷ lệ lạm phát được kiểm soát ở mức 3%. Đây như là giấc mơ cho các quốc gia khác, bạn thấy đúng không? Việt Nam thực sự là nhà vô địch về tăng trưởng trong khu vực ASEAN, đây là khu vực kinh tế lớn duy nhất trên thế giới có tốc độ tăng trưởng cao vào thời điểm hiện tại. Việt Nam rõ ràng đang được hưởng lợi từ chính sách zero-covid ở Trung Quốc, nơi mà tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Nhiều công ty đang xem xét lại chuỗi cung ứng của họ và Việt Nam dường như là một đại bản doanh tuyệt vời đối với ngành sản xuất toàn cầu và châu Á nói riêng, nhờ chất lượng của lực lượng lao động và chi phí tương đối thấp. Chúng tôi sẽ chứng kiến sự chuyển giao đáng kể các khoản đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Một thế mạnh quan trọng khác của Việt Nam là sự ổn định về chính trị và khuôn khổ pháp lý. Tuy nhiên vẫn có một điểm yếu nhỏ về khuôn khổ pháp lý, đó là sự quan liêu, trì trệ.
Về khuôn khổ pháp lý, Ông có suy nghĩ gì về Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa có hiệu lực từ tháng 8/2020?
Khi Hiệp định có hiệu lực, 65% hàng hóa xuất khẩu của Liên minh châu Âu sang Việt Nam và 71% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã được tự do hóa ngay lập tức. Các quyền còn lại sẽ bị giảm dần trong 10 năm tới. Hiệp định rõ ràng sẽ thúc đẩy thương mại hai chiều. Các công ty Việt Nam đang trong giai đoạn khởi đầu. Các doanh nghiệp ở Brussels và ở các thủ đô châu Âu khác thay phiên nhau hợp tác với Việt Nam với tốc độ chóng mặt. Về phía chúng tôi, các công ty đã xuất khẩu vào Việt Nam sẽ là những đơn vị được hưởng lợi đầu tiên. Thách thức của chúng tôi tại AWEX là sẽ sử dụng hiệp định thương mại tự do này như một công cụ để thuyết phục những doanh nghiệp chưa xuất khẩu sang Việt Nam hãy quan tâm đến thị trường này. Vì vậy, chúng tôi sẽ có khá nhiều việc phải làm về mặt truyền thông !
Mục tiêu của Ông đối với AWEX là gì?
Tôi sẽ nỗ lực để đạt được những hợp đồng lớn đã được đàm phán từ nhiều năm nay, ví dụ như trong lĩnh vực xử lý nước, thiết bị y tế, v.v. Để có được những hợp đồng này, cần có cú hích cần thiết. Tôi cũng muốn giúp nhiều nhất có thể được các doanh nghiệp mới đặt chân vào thị trường này, dù là xuất khẩu thuần túy hay thành lập cơ sở tại Việt Nam. Tôi cũng sẽ chú ý giúp đỡ các bạn trẻ tích lũy kinh nghiệm, bằng cách khuyến khích việc tiếp nhận các thực tập sinh tại Việt Nam.
Những ngành nào Vùng Wallonia sẽ ưu tiên đối với thị trường Việt Nam?
Lĩnh vực xuất khẩu chủ yếu của chúng tôi là lĩnh vực y tế. Chỉ riêng thuốc và vắc xin đã chiếm 75% kim ngạch xuất khẩu của chúng tôi. Nhưng ngành y tế cũng bao gồm thiết bị y tế, kit chẩn đoán, thực phẩm chức năng, v.v. Lĩnh vực thực phẩm và đồ uống cũng là lĩnh vực ưu tiên. AWEX đã tham gia hội chợ “Nguyên liệu thực phẩm Việt Nam” vào giữa tháng 10 vừa qua với sự góp mặt của 12 doanh nghiệp của Vùng Wallonia! Và vào tháng 12 tới đây , chúng tôi sẽ có một gian hàng thăm dò thị trường tại hội chợ “Food & Hotel Vietnam” với khoảng 10 doanh nghiệp: bia, bánh kẹp, khoai tây chiên đông lạnh, cũng như ngũ cốc, bánh macaron, v.v. Nhìn rộng hơn, lĩnh vực nông nghiệp có nhiều triển vọng rất tốt. Bỉ và Việt Nam đã ký một thỏa thuận đối tác chiến lược vào năm 2018 để thúc đẩy ngành nông nghiệp. Thỏa thuận này sẽ tạo lợi thế cho chúng tôi so với các đối thủ cạnh tranh khác để cung cấp cho Việt Nam công nghệ mà họ đang cần gấp (chế biến và đóng gói, quản lý dây chuyền lạnh, v.v.). Tôi cũng sẽ đề cập đến lĩnh vực CNTT: quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Và hiện nay, quốc gia này dường như là một trong những nguồn cung cấp nhân tài chính cho phát triển công nghệ thông tin và mã hóa trên thế giới. Ở vị trí thứ 5, tôi muốn kể đến lĩnh vực phát triển bền vững. Tại Hội nghị COP 26 tại Glasgow, Việt Nam đã cam kết rất mạnh mẽ về "không phát thải ròng" vào năm 2050. "Không phát thải ròng" không chỉ liên quan đến năng lượng mà còn là phương thức mà đất nước sẽ phát triển nông nghiệp, xử lý chất thải, chuyển đổi phương tiện giao thông, quy hoạch đô thị v.v. Điều này sẽ mang lại những biến động lớn và cũng là những cơ hội lớn. Và sau đó là mọi lĩnh vực khác: như bạn đã biết, nền kinh tế Wallonia rất đa dạng về sản phẩm và dịch vụ có thể xuất khẩu. Chúng tôi sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu hỗ trợ.
Còn các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, ông có nghĩ đến không?
Đây chính là hoạt động chủ yếu của Cơ quan Ngoại giao Wallonia-Brussels (WBI), đồng nghiệp của chúng tôi. Cơ quan này có Văn phòng đại diện tại Hà Nội. Tôi có thể thấy mức độ hiệu quả của văn phòng này trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngài Bộ trưởng Thủ hiến Pierre-Yves Jeholet, từ ngày 15 đến ngày 21 tháng 10, theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhân kỷ niệm 25 năm hợp tác song phương. Ngài Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cũng như 4 vị Bộ trưởng và Thứ trưởng đã tiếp Bộ trưởng-Thủ hiến Chính phủ Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp (Wallonia-Brussels). Tôi thực sự ấn tượng về các đối tác WBI và sự đón tiếp nồng hậu của người Việt Nam dành cho Ngài Bộ trưởng-Thủ hiến. Tôi tin rằng những quan hệ tốt đẹp này của WBI sẽ rất hữu ích cho tôi trong công việc. Tôi nghĩ rằng phải duy trì, thậm chí phát triển những mối quan hệ hợp tác đó.
Về thu hút đầu tư, Việt Nam có phải là mục tiêu tiềm năng của Vùng Wallonia không?
Chắc chắn là có, vì chúng tôi bắt đầu thấy các tập đoàn lớn của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Ví dụ, một trong những tập đoàn đa dạng hàng đầu, VINGROUP đang trong quá trình mở rộng ra quốc tế. Công ty con "Vinfast" (ô tô điện) vừa thành lập cơ sở ở châu Âu (ở Đức) và mở khoảng 50 cửa hàng ở Tây Âu (chưa có ở Bỉ) để quảng bá các mẫu ô tô điện VF8 và VF9. Và chương trình đầu tư này được thực hiện sau những đầu tư lớn của tập đoàn này tại Hoa Kỳ vào năm 2021, với tổng giá trị hơn 300 triệu đô la! Vì vậy, có hy vọng chứ. Và một trong những dự án tôi đang nghĩ tới sẽ là làm nổi bật vị trí hậu cần thuận lợi của Wallonia ở châu Âu để thúc đẩy một trung tâm hậu cần cho các sản phẩm của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm. Như đã đề cập ở trên, chúng tôi đã có một thỏa thuận song phương giữa hai nước để thúc đẩy quan hệ đối tác. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam đã rải rác có mặt tại thị trường châu Âu. Họ sẽ cần một khu trưng bày hậu cần ở châu Âu để giới thiệu sản phẩm một cách có cấu trúc và chuyên nghiệp, với mạng lưới, kiến thức và kỹ năng cần thiết để thâm nhập thị trường châu Âu, đồng thời tuân thủ các quy định của châu Âu về giấy chứng nhận vệ sinh và kiểm dịch động thực vật. Đó sẽ là một dự án tuyệt vời, tạo ra việc làm cho chúng tôi và giá trị gia tăng cho họ. Tôi có 4 năm để triển khai dự án này!
Sẽ có những sự kiện lớn nào trong năm 2023?
Năm tới, Bỉ sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Sẽ có những hoạt động nổi bật cho năm kỷ niệm trọng đại này, cả ở Bỉ và ở Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để tăng cường quan hệ song phương vốn đã rất tốt đẹp của chúng ta. AWEX sẽ đón một phái đoàn kinh tế đến Việt Nam vào tháng 9 năm 2023. Và tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều sự kiện khác được tổ chức, nhiều phái đoàn khác sẽ đến Việt Nam trong năm tới.